Thi tốt nghiệp THPT 2025: Bộ Giáo dục đề xuất phương án 2 môn bắt buộc.

09:29 16/11/2023

Ngày 14/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ 3 phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Trong đó, phương án thi bắt buộc hai môn toán, văn kết hợp hai môn tự chọn được nhiều chuyên gia lựa chọn.

Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, trong ba phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trình Chính phủ, phương án thi tốt nghiệp THPT bắt buộc 2 môn toán, ngữ văn kết hợp 2 môn tự chọn (2+2) trong số các môn học được phần lớn các chuyên gia lựa chọn.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến 10 chuyên gia tại cuộc họp do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Cục Quản lý chất lượng hôm 5/10.

Kết quả, sáu chuyên gia chọn phương án thi hai môn bắt buộc, ba ý kiến chọn phương án thi ba môn bắt buộc và một ý kiến khác.
 

#thitotnghiep #thitotnghiep2024 #totnghiep #tuyensinhdaihoc
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022 (Ảnh: Hải Long).

Dựa trên kết quả này cùng ý kiến góp ý và căn cứ theo các nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ GD&ĐT kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn.

Theo Bộ GD&ĐT, phương án thi 2+2 có ưu điểm giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm thực sự chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn). Số buổi thi ba buổi, giảm số buổi thi so với hiện nay.

Phương án này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.

Tuy nhiên phương án này, nhược điểm làm ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.

Ngoài phương án 2+2, có hai phương án khác được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ trong cuộc họp sáng 15/11.

Cụ thể, phương án thi ba môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ) và hai môn tự chọn (phương án 3+2).

Phương án thi bốn môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử) và hai môn tự chọn.

Bộ GD&ĐT cho biết, trước đó Bộ này đã lấy ý kiến rộng rãi về các phương án thi trên đây. Trong đó, 73,59% lựa chọn phương án thi ba môn bắt buộc.

Trong quá trình đánh giá tác động về lựa chọn các phương án thi tại TPHCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang, có nhiều ý kiến đề xuất lựa chọn thêm phương án 2+2 với tỷ lệ gần 60% phiếu đồng ý.

Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 bài thi, gồm toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân).

Trước đó, dự thảo phương án thi đã được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến xã hội từ ngày 17/3 đến 17/5.

Đến ngày 17/5, trên hòm thư góp ý về dự thảo phương án thi có tổng số 25 email góp ý với một số quan điểm, nội dung đề cập đến môn thi, nội dung, hình thức thi.

*Theo Dantri