Nhân tài Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc trong ngành STEM ở Mỹ.

10:33 22/11/2023

Số sinh viên Trung Quốc giảm liên tục, khiến Ấn Độ được dự báo sẽ dẫn đầu về việc làm STEM cho du học sinh ở Mỹ.

Báo cáo Open Doors 2023 của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) công bố hôm 13/11 cho thấy, mặc dù Trung Quốc vẫn dẫn đầu về số du học sinh ở Mỹ nhưng không còn áp đảo so với Ấn Độ.

Cụ thể, năm học 2022-2023, hơn 289.500 du học sinh Trung Quốc đến Mỹ, giảm 0,2% so với năm học trước. Trong khi đó, số du học sinh Ấn Độ là gần 269.000 người, tăng 35%. Chênh lệch về số du học sinh giữa hai nước cũng giảm từ hơn 90.000 xuống còn khoảng 20.600 người.

STEM vẫn là ngành học được đông đảo du học sinh lựa chọn, đặc biệt là hai chuyên ngành Toán học và Khoa học máy tính. Tuy nhiên, số sinh viên Ấn Độ lựa chọn hai chuyên ngành này là hơn 110.000 người, còn Trung Quốc chỉ khoảng 67.100.

Ngoài ra, Ấn Độ dẫn đầu về số sinh viên tham gia chương trình OPT (làm việc sau tốt nghiệp trong ngành STEM, kéo dài tới 36 tháng), với 69.000 người (tăng 1,3%). Số sinh viên theo học các chương trình sau đại học cũng tăng 62,6%, đạt mức gần 166.000 sinh viên. Đây đều là những con số kỷ lục.

 
Năm học Trung Quốc Ấn Độ Chênh lệch
Số du học sinh Biến động Số du học sinh Biến động

2022-23

289.526

-0,2%

268.923

35%

20.603

2021-22

290.086

-8.6%

199.182

18,9%

90.904

2020-21

317.299

-14,8%

167.582

-13,2%

149.717

2019-20

372.532

0,8%

193.124

-4,4%

179.408


Số du học sinh Ấn Độ ở Mỹ đông hơn là do nền kinh tế nước này được dự đoán tăng trưởng 6,3% trong giai đoạn 2023-24. Ngoài ra, bằng cấp nước ngoài ở Ấn Độ được coi là cách để cải thiện địa vị xã hội và triển vọng hôn nhân của các gia đình có thu nhập thấp và trung bình. Vì thế, nhiều gia đình gửi con đi du học.

Ngược lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại cùng với việc học phí đại học Mỹ tăng đã tác động đến nhiều gia đình ở Trung Quốc, theo nhận định của Tian Wang, trợ lý cấp cao một tập đoàn giáo dục của Trung Quốc.

Tian cũng cho rằng nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến số lượng sinh viên Trung Quốc học tập tại Mỹ, bao gồm đại dịch Covid-19 và lo ngại về quan hệ Mỹ-Trung.

"Khó khăn khiến những người ban đầu dự định du học ở Mỹ phải chọn những quốc gia có chi phí thấp hơn và thời gian học ngắn hơn", Tian nói.

Một bài báo trên tạp chí PNAS năm nay cho biết 17% số bằng tiến sĩ khoa học, kỹ thuật năm 2020 của Mỹ thuộc về du học sinh Trung Quốc. Giờ đây, khi nhân tài Trung Quốc du học Mỹ ít đi, việc tuyển dụng nhân lực có trình độ tiến sĩ trở lên sẽ khó khăn hơn.

Các chuyên gia nhìn nhận điều này đồng nghĩa trong tương lai, Mỹ ngày càng phụ thuộc vào du học sinh các nước khác như Ấn Độ để duy trì vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ.

"Sinh viên Ấn Độ đang lấp đầy khoảng trống nhân lực do sinh viên Trung Quốc để lại. Họ đang hoàn thành các chương trình sau đại học nhằm vươn tới những vị trí việc làm quan trọng trong nhóm STEM", Teboho Moja, giáo sư Đại học New York, nói.

Dù vậy, bà Rajika Bhandari, chuyên gia về giáo dục đại học quốc tế, cho rằng các đại học Mỹ vẫn cần thu hút lượng sinh viên quốc tế đa dạng và Ấn Độ chỉ là một tùy chọn như mọi quốc gia khác.

#duhoc #duhocmy
Sinh viên trong một hoạt động ở Đại học Stanford, Mỹ, hôm 2/11. Ảnh: Stanford University Fanpage

Năm học qua, số sinh viên quốc tế tại Mỹ là gần 1,06 triệu người, tăng 12% so với năm học trước và tiến sát kỷ lục 1,1 triệu của năm 2019. Tính theo từng quốc gia, Trung Quốc và Ấn Độ áp đảo về số du học sinh, với tỷ lệ lần lượt là 27% và 25%.

Xét theo lĩnh vực, 55% tổng số du học sinh chọn các ngành STEM, đông nhất là Toán và Khoa học máy tính.

* Theo vnexpress