Dạy tích hợp, thi học sinh giỏi và lớp 10 chuyên thế nào.

14:52 11/12/2023

Để chọn học sinh giỏi hay tuyển lớp 10 chuyên, các tỉnh cho thí sinh thi môn Khoa học tự nhiên, Địa lý và Lịch sử nhưng ra đề có định hướng, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hội nghị tập huấn về dạy và học tích hợp do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trực tuyến ngày 10/12 có khoảng 80.000 thầy cô giáo, cán bộ quản lý từ 63 tỉnh, thành tham dự.

Đây là năm thứ ba, môn tích hợp Khoa học tự nhiên (gồm nội dung Lý, Hóa, Sinh); Lịch sử và Địa lý được đưa vào giảng dạy ở THCS, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh chia sẻ giải pháp khắc phục việc thiếu giáo viên, triển khai nội dung môn học; thiếu thiết bị dạy học, thí nghiệm phục vụ chương trình mới, đại diện sở giáo dục các tỉnh cũng bày tỏ băn khoăn về việc tổ chức thi học sinh giỏi. Ông Đỗ Văn Lợi, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, cho biết các giáo viên còn quan tâm việc ra đề thi vào các lớp 10 chuyên như thế nào khi học sinh ở cấp THCS học tích hợp chứ không theo môn Hóa, Lý, Sinh, Sử, Địa như trước.

#tuyensinh #tuyensinhlop10 #tuyensinh10

Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Phổ thông trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại buổi tập huấn sáng 10/12 ở Hà Nội. Ảnh: MOET

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định thi học sinh giỏi ở cấp THPT, chưa có quy định ở cấp THCS.

Đại diện Bộ cho hay nếu tổ chức thi học sinh giỏi, các sở cứ tổ chức thi theo môn học trong chương trình.

"Môn ở đây là môn Khoa học tự nhiên chứ không còn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ở cấp THCS nữa. Do chúng ta lúc nào cũng nghĩ tới từng môn, nhưng thực ra trong mỗi mạch kiến thức không phải như thế", ông Thành giải thích.

Ông ví dụ mạch kiến thức về chất, biến đổi chất có sự chuyển thể nóng, đặc, bay hơi, ngưng tụ mà mặc nhiên xếp vào môn Hóa thì không phải. Ngày xưa những kiến thức này ở môn Vật lý. Đối với Lịch sử và Địa lý cũng tương tự, cũng có không gian, các hiện tượng trong tự nhiên, xã hội liên quan đến nhau. Do đó, thi học sinh giỏi các môn tích hợp có thể thấy được năng lực tổng hợp của học sinh, theo ông Thành.

Riêng với thi lớp 10 chuyên, cấp THCS không còn các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học hay Lịch sử, Địa lý riêng nhưng cấp THPT có các môn này. Vì thế, bài thi để tuyển học sinh chuyên sẽ tùy các tỉnh. Ông Thành gợi ý, chẳng hạn thi vào chuyên Vật lý, thí sinh vẫn phải làm bài môn Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên nội dung của bài thi sẽ có định hướng để tuyển được học sinh có năng khiếu vào từng lớp chuyên.

"Chắc chắn phải như vậy thôi vì THCS không có môn Vật lý, Hóa học, Sinh học nên không thể nào yêu cầu thi các môn này", ông Thành nói, cho biết, năm 2025 sẽ bắt đầu thực hiện việc này. Vụ Trung học sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ để có chỉ đạo cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho hay các sở và thầy cô băn khoăn chuyện thi học sinh giỏi và thi chuyên theo chương trình mới là có căn cứ.

"Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có đặc điểm mới, khác với chương trình 2006. Nên chăng có quy định thi học sinh giỏi ở cấp THCS như thế nào không?", ông Thưởng đặt vấn đề.

Thứ trưởng nói thêm theo quy định chung thì Bộ sẽ nghiên cứu, sau đó tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các sở. Tuy nhiên, thi môn gì, thời gian, địa điểm, coi thi, chấm thi... như thế nào theo phân cấp là thẩm quyền của các tỉnh, Bộ không can thiệp.

Hiện hầu hết tỉnh, thành tổ chức kỳ thi học sinh giỏi dành cho học sinh lớp 9, theo từng môn riêng lẻ. Với tuyển sinh lớp 10 chuyên, đa số nơi tính tổng điểm bài thi chung (đại trà) và bài thi môn chuyên nhân hệ số hai để chọn thí sinh trúng tuyển.

* Theo vnexpress