Ba lý do du học sinh Việt ở Mỹ chuộng ngành STEM.

10:27 17/11/2023

Có nhiều trường đào tạo STEM hàng đầu cùng chính sách cho sinh viên quốc tế ở lại làm việc 36 tháng, Mỹ thu hút hơn 10.000 người Việt theo học lĩnh vực này.

Theo báo cáo Open Doors công bố hôm 13/11 của Viện Giáo dục quốc tế Mỹ (IIE), năm học 2022-2023, Mỹ tiếp tục là điểm đến du học số 1 thế giới với hơn một triệu sinh viên quốc tế.

Số du học sinh người Việt khoảng 21.900, đứng thứ năm về số sinh viên quốc tế ở đây. Trong đó, tỷ lệ sinh viên theo đuổi lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) là 47,6%, tăng 0,5% so với năm ngoái. Tỷ lệ này đã tăng liên tục trong 9 năm qua, từ 28,4% của năm học 2014-2015.

Đây cũng là xu hướng chung, bởi 55% sinh viên quốc tế ở Mỹ chọn theo học STEM.

Hấp lực này đến từ ba yếu tố chính, theo bà Kate Barlett, Tùy viên Văn hóa tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, và các chuyên gia du học.

Đầu tiên, bà Kate nhìn nhận STEM là lĩnh vực đang phát triển. Các vấn đề toàn cầu hiện nay như AI hay biến đổi khí hậu phải dựa vào STEM để giải quyết. "Cả thế giới đang quan tâm đến các lĩnh vực STEM, cách chúng thúc đẩy nền kinh tế cùng tương lai của chúng ta", bà nói.

#duhoc #duhocmy #stem

Bà Kate Barlett, Tùy viên Văn hóa, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, hôm 9/11. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ

Thứ hai, Mỹ là nơi tập trung các trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực STEM. Điều này thể hiện qua việc các trường ở Mỹ luôn chiếm đa số trong top 100 về đào tạo khoa học máy tính, toán học, kỹ thuật trên các bảng xếp hạng đại học uy tín như THE hay QS.

Bà Kate nói các đại học Mỹ từ nhiều thập kỷ qua đã dạy STEM ở trình độ cao và chuyên sâu. Không chỉ những trường nổi tiếng như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), các đại học lớn, nhỏ khác cũng đầu tư đào tạo STEM và thu hút sinh viên từ khắp nơi.

Ông Brett Wertz, Giám đốc điều hành Fourdozen, tổ chức tư vấn giáo dục của các chuyên gia Mỹ tại Việt Nam, cho biết các đại học Mỹ còn có quan hệ tốt với nhiều công ty công nghệ, kỹ thuật hàng đầu. Do đó, sinh viên có cơ hội trải nghiệm và thực tập, làm việc tại những công ty này. Đây là điều mà sinh viên quốc tế rất quan tâm. Các trường cũng dồi dào về tài chính để đầu tư phòng thí nghiệm hay đội ngũ giảng viên.

"Châu Âu và châu Á cũng có một số đại học như thế nhưng không nhiều bằng Mỹ. Do đó, các trường ở đây có thể thu hút và giữ giảng viên giỏi, tài năng trong lĩnh vực STEM", ông Brett nhận định.

Yếu tố thứ ba khiến Mỹ thu hút sinh viên quốc tế nói chung và du học sinh Việt nói riêng là chính sách visa và cơ hội việc làm.

Sinh viên học các ngành STEM được phép ở lại làm việc thông qua chương trình thực tập không bắt buộc (OPT) lên tới 36 tháng, thay vì 12 tháng như các ngành học khác.

Nhu cầu của thị trường lao động Mỹ với lĩnh vực STEM cao hơn những ngành Khoa học xã hội, nhân văn, thậm chí cả một số ngành Kinh doanh. Các vị trí việc làm STEM cũng được trả lương cao nhất, theo Cục Thống kê lao động Mỹ. Phần lớn nghề liên quan tới máy tính và toán học có mức lương khoảng 132.000-155.000 USD (trên 3,2-3,8 tỷ đồng) một năm, hơn gấp đôi thu nhập trung bình của người Mỹ (khoảng 60.000 USD).

"Đó là lý do khiến lĩnh vực STEM ở Mỹ ngày càng nóng", bà Kate cho hay.

Làn sóng sa thải ở Mỹ cuối năm 2022 khiến việc làm trong lĩnh vực STEM cạnh tranh hơn, nhất là với các ngành về máy tính. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Khương, chuyên gia tư vấn 13 năm tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, cho rằng điều này không làm giảm sức hấp dẫn của thị trường lao động Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện là 3,8%, một trong những mức thấp nhất lịch sử. Làn sóng sa thải gần như chỉ diễn ra ở các công ty công nghệ lớn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các lĩnh vực vẫn có nhu cầu tuyển nhân sự về công nghệ, kỹ thuật.

Đồng tình, ông Brett nhìn nhận ngoài kỹ thuật phần mềm đang khó khăn hơn, các lĩnh vực khác vẫn ổn. Cục Thống kê lao động Mỹ dự báo từ nay đến năm 2032, nước này có thêm khoảng 4,7 triệu việc làm mới. Trong đó, riêng lĩnh vực khoa học, kỹ thuật có thêm 960.000 việc.

*Theo vnexpress