VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency) là bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh đầu tiên tại Việt Nam. VSTEP có 02 bài thi đánh giá năng lực bao gồm: bài thi bậc 2 (A2) và bài thi 03 bậc (B1, B2, và C1).
Hiện nay thí sinh dự thi kỳ thi VSTEP đang có xu hướng tăng, tuy nhiên vẫn còn không ít thí sinh vẫn chưa nắm được cấu trúc của đề thi này. Vì vậy trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn cấu trúc đề thi VSTEP 03 bậc (B1, B2, C1) một cách chi tiết.
1. Kỹ năng Nghe (Listening)
Phần thi Nghe hiểu của chứng chỉ tiếng Anh VSTEP B1, B2, C1 có 3 phần, với tổng 35 câu hỏi tương ứng với thời gian làm bài là 40 phút. Chỉ được nghe 01 lần duy nhất (bao gồm cả thời gian chọn phương án trả lời).
Phần 1 (Part 1): Thí sinh được nghe 08 đoạn thông báo, hướng dẫn, hoặc hội thoại ngắn tương ứng với 08 câu hỏi. Mỗi hướng dẫn, thông báo gồm sẽ có từ 30 đến 70 từ. Thí sinh chọn phương án trả lời đúng từ 04 phương án cho trước đối với từng câu hỏi.
Độ khó: Thông thường độ khó của file nghe (audio) trong phần này sẽ rơi vào Bậc 2 và Bậc 3, do đề thi VSTEP được thiết kế cho 03 bậc B1, B2, và C1.
Phần 2 (Part 2): Thí sinh được nghe 03 đoạn hội thoại dài tương ứng với 12 câu hỏi, mỗi đoạn hội thoại có 04 câu hỏi. Thí sinh chọn phương án trả lời đúng từ 04 phương án cho trước đối với từng câu hỏi.
Phần 3 (Part 3): Thí sinh được nghe 03 bài diễn văn, bài giảng, bài nói chuyện dài tương ứng với 15 câu hỏi. Mỗi bài có 05 câu hỏi, thí sinh chọn phương án trả lời đúng từ 04 phương án cho trước đối với từng câu hỏi.
Các đoạn hội thoại, bài giảng, bài thuyết trình trong phần thi Nghe hiểu có độ dài dao động từ 100 đến 300 từ, tốc độ nói như người tự nhiên của người bản ngữ, thuộc các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống và học tập.
Tỉ lệ các phân bổ câu hỏi theo bậc năng lực kỹ năng Nghe hiểu
Nội dung |
Bậc 3 |
Bậc 4 |
Bậc 5 |
Số câu |
~ 14 |
~ 12 |
~ 9 |
Tỉ lệ % |
~ 40% |
~ 34% |
~ 26% |
2. Kỹ năng Đọc hiểu (Reading)
Bài thi Reading của VSTEP bao gồm 04 bài đọc hiểu, số lượng từ cho các bài đọc hiểu có độ dài khoảng từ 1.650 đến 2.050 từ. Nội dung các bài đọc hiểu thông thường sẽ liên quan đến các chủ đề khác nhau trong cuộc sống, từ đời sống hàng ngày đến các vấn đề xã hội, khoa học, giáo dục.
Thời gian làm bài là 60 phút. Các câu hỏi trong bài thi Reading tập trung vào các kỹ năng đọc hiểu thông tin chi tiết, tìm ý chính, hiểu thái độ, ý kiến tác giả, đoán từ theo ngữ cảnh.
Phần 1 (Part 1): Gồm 01 bài đọc hiểu, trong đó bài đọc hiểu sẽ có độ dài khoảng 450 từ, với 10 câu hỏi đọc hiểu trắc nghiệm, kiểm tra kỹ năng ở bậc 3 và bậc 4. Chủ đề thường nói về cuộc sống hàng ngày.
Phần 2 (Part 2): Gồm 01 bài đọc hiểu có độ dài khoảng 450 – 500 từ, với 10 câu hỏi đọc hiểu kiểm tra các kĩ năng từ bậc 3 đến bậc 5. Chủ đề thường nói về khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội, ….
Phần 3 (Part 3): Gồm 01 bài đọc hiểu có độ dài khoảng 450 – 550 từ, với 10 câu hỏi đọc hiểu kiểm tra các kĩ năng từ bậc 3 đến bậc 5. Chủ đề thường nói về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hoặc các chuyên ngành khác.
Phần 4 (Part 4): Gồm một bài đọc hiểu có độ dài khoảng 500 – 550 từ, với 10 câu hỏi đọc hiểu kiểm tra các kĩ năng từ bậc 3 đến bậc 5. Chủ đề thường nói có tính chuyên ngành, văn chương hoặc khoa học, …
Tỉ lệ các phân bổ câu hỏi theo bậc năng lực kỹ năng Đọc hiểu
Nội dung |
Bậc 3 |
Bậc 4 |
Bậc 5 |
Số câu |
~ 16 |
~ 14 |
~ 10 |
Tỉ lệ % |
~ 40% |
~ 35% |
~ 25% |
3. Kỹ năng Viết (Writing)
Phần Viết của đề thi VSTEP gồm có 2 bài viết nhằm kiểm tra năng lực giao tiếp viết bằng tiếng Anh, cho thí sinh trình độ từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam. Tổng thời gian cho kỹ năng viết là: 60 phút.
Phần 1 (Bài viết 1): thời gian làm bài khoảng 20 phút. Số từ yêu cầu: tối thiểu 120 từ, chiếm 1/3 tổng số điểm kỹ năng viết. Thí sinh viết một bức thư/email trả lời một bức thư/email cho sẵn hoặc một bức thư/email gửi cho người khác nhằm hỏi thông tin hay thực hiện những nhu cầu giao tiếp khác nhau. Mục đích là kiểm tra khả năng viết tương tác của thí sinh.
Phần 2 (Bài viết 2): thời gian làm bài khoảng 40 phút, chiếm 2/3 tổng điểm kỹ năng viết. Số từ yêu cầu: tối thiểu 250 từ. Thí sinh viết một bài luận về một chủ đề của đề bài đã cho, dùng kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân để củng cố lập luận của mình. Mục đích là kiểm tra kĩ năng viết luận (viết sản sinh) của thí sinh.
4. Kỹ năng Nói (Speaking)
Phần Nói của đề thi VSTEP gồm 3 phần, được thực hiện trong thời gian 12 ~ 15 phút (bao gồm 2 phút chuẩn bị: 1 phút cho phần 2 và 1 phút cho phần 3).
Lưu ý:
- Tại phần thi kỹ năng nói, thí sinh sẽ nói trực tiếp vào microphone để máy tính tự động thu âm bài nói của thí sinh. Thí sinh không cần sử dụng bất kỳ thiết bị nào như chuột hoặc bàn phím để tương tác với hệ thống thi (máy tính).
- Tại phần thi kỹ năng nói, hệ thống sẽ tự động chạy từ phần 1, chuyển sang phần 2, và kết thúc tại phần 3. Khi hết giờ làm bài, hệ thống thi sẽ tự động thu bài nói của thí sinh. Sau đó, yêu cầu thí sinh nộp bài và hoàn thành kỳ thi.
- Do, thí sinh sẽ thi bài thi nói trực tiếp trên máy tính, để tránh việc bỡ ngỡ, hồi hộp, … và chưa quen với quy trình thi nói trên máy tính. Thí sinh có thể đăng ký thi thử định dạng đề thi 3 bậc (B1, B2, C1) trên website: www.onthi247.vn (hoàn toàn miễn phí) hoặc mua thêm số lần thi theo định dạng chuẩn đề thi 3 bậc được BGD &ĐT công bố.
Phần 1: Giao tiếp xã hội (~ 3 phút)
Trong phần này, hệ thống thi sẽ hiển thị cho thí sinh từ 3-6 câu hỏi thuộc hai chủ đề khác nhau. Thông thường, câu hỏi ở phần này sẽ được thiết kế dưới dạng câu hỏi có từ để hỏi. Thí sinh sẽ trả lời câu hỏi trực tiếp vào microphone, hệ thống sẽ tự động thu âm câu trả lời của thí sinh và lưu vào hệ thống.
Lưu ý: Khi hết thời gian của phần 1, hệ thống sẽ tự động chuyển sang phần 2 của kỹ năng nói.
Phần 2: Thảo luận giải pháp (~ 4 phút)
Trong phần này, thí sinh được cung cấp một tình huống với 03 lựa chọn để giải quyết vấn đề nêu ra trong tình huống của đề. Thí sinh sẽ đưa ra lập luận về giải pháp thí sinh cho là tối ưu cho vấn đề được nêu trong tình huống và lập luận tại sao không chọn các giải pháp còn lại. Tại phần này, thí sinh nên chọn giải pháp nào mà thí sinh thấy dễ nhất (không nhất thiết là giải pháp tối ưu), có nhiều vốn từ vựng nhất để dễ dàng lập luận và sản sinh ý.
Lưu ý: Khi hết thời gian, hệ thống sẽ tự động chuyển sang phần 3 của kỹ năng nói.
Phần 3: Phát triển chủ đề (~ 5 phút)
Trong phần này, thí sinh trình bày phát triển ý về một chủ đề cho trước. Thí sinh sử dụng dàn ý / gợi ý cho trước dưới dạng sơ đồ tư duy hoặc/và có thể sử dụng dàn ý riêng của mình để phát triển chủ đề.
Thông thường, dàn ý/ gợi ý cho thí sinh sử dụng để phát triển ý được trình bày dưới dạng một sơ đồ tư duy. Mỗi ý của dàn ý và chủ đề trong sơ đồ tư duy được thiết kế dưới dạng danh từ hoặc cụm danh từ. Mỗi ý của dàn ý cũng có thể được trình bày dưới dạng động từ hoặc tính từ.
Ngoài ra, thí sinh còn được yêu cầu trả lời thêm 03 câu hỏi liên quan đến nội dung chủ đề đã cho. Các câu hỏi được thiết kế từ bậc 3 đến bậc 5 hoặc cao hơn theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt nam.
Nguồn: onthi247.vn