“Đặt trường ưa thích lên trên, rồi mới đến trường chắc chắc; phân nguyện vọng thành 3 nhóm trường” là lời khuyên của Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT Trần Văn Nghĩa để giúp thí sinh trúng tuyển vào trường phù hợp nhất với năng lực và sở thích.
“Đặt trường ưa thích lên trên, rồi mới đến trường chắc chắc; phân nguyện vọng thành 3 nhóm trường” là lời khuyên của Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT Trần Văn Nghĩa để giúp thí sinh trúng tuyển vào trường phù hợp nhất với năng lực và sở thích.
Chỉ xét đợt 1 gần như là xong hết
Tại ngày hội Tư vấn tuyển sinh- hướng nghiệp 2017 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 26/2, Ban tư vấn chương trình đã giúp các em học sinh “gỡ rối” các thắc mắc trong quy định thi cử, xét tuyển và quyết định con đường tương lai của mình.
Theo Phó Cục trưởng Cục khảo thí và và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT Trần Văn Nghĩa, điểm mới quan trọng trong quy chế xét tuyển ĐH-CĐ 2017 là cho phép thí sinh đăng ký không hạn chế số nguyện vọng. Các nguyện vọng buộc phải xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến n.
Ông Nghĩa cũng cho hay, dù xếp theo thứ tự nguyện vọng nhưng việc xét tuyển giữa các thí sinh được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng dựa vào kết quả thi. Chẳng hạn, cùng đăng ký vào một ngành của một trường đại học, có một em nguyện vọng 1, một em nguyện vọng 2, một em nguyện vọng 5 đăng ký vào. Thí sinh nào điểm cao hơn sẽ thắng (không kể thuộc nguyện vọng nào).
Tuy nhiên, nếu một ngành có quá nhiều chỉ tiêu và thí sinh đăng ký thì sau khi xét hết các yếu tố bổ sung (thành tố điểm từng môn) mà vẫn còn thừa thì em nào có nguyện vọng ưu tiên hơn em đó sẽ thắng.
'Cục phó Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT Trần Văn Nghĩa trả lời phỏng vấn.
Giải đáp băn khoăn của thí sinh về cách viết phiếu đăng ký xét tuyển, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Trần Văn Nghĩa lưu ý các thí sinh chỉ đăng ký những ngành mình yêu thích ở đợt 1 này (1-20/4). Bởi lẽ, quy định không cho phép các em trúng tuyển rồi lại không đi học.
“Năm nay xét tuyển ĐH-CĐ lần 1 gần như là xong hết, các em mất lần 1 là mất hết. Do vậy chỉ đăng ký vào các ngành em chắc chắn yêu thích, đăng ký “à ơi” cho xong là không thể được”, Cục phó Trần Văn Nghĩa cho biết.
Đăng ký xét tuyển theo 3 nhóm trường, khó lòng trượt!
Để đảm bảo cơ hội đỗ, ông Nghĩa khuyên thí sinh nên phân ra 3 nhóm trường: Nhóm trường ưa thích nhưng cao hơn một chút (không nên nhiều quá) so với năng lực, nhóm trường gần như phù hợp hoàn toàn với khả năng và nhóm trường “chắc ăn” đề phòng trường hợp làm bài thi kém hơn năng lực bình thường của bản thân. “Nếu thí sinh phân như vậy thì chắc chắc không bao giờ trượt”, ông Nghĩa nói.
Thêm nữa, một lưu ý quan trọng là ngành yêu thích và điểm cao hơn nhiều khả năng thí sinh nên để nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng ưu tiên). Tức là “đặt trường ưa thích nhất lên, đừng đặt trường chắc chắn đỗ lên trên”.
Đại diện của Bộ GD-ĐT giải thích, trong đợt xét tuyển chính, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký phù hợp với kết quả thi. Khi hệ thống đã xác định được nguyện vọng trúng tuyển này rồi thì lập tức những nguyện vọng còn lại sẽ bị xóa.
TS. Vũ Viết Bình – Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cảnh báo thí sinh không nên thấy năm nay chỉ tiêu nguyện vọng “hào phóng” mà đăng ký tràn lan các trường, các ngành: “Chúng ta đam mê chỉ một thôi, thích có thể rất nhiều nhưng cũng không nên thích vô hạn. Cố gắng thích chỉ 2-3 ngành nghề để có thể tập trung lựa chọn hướng đi nghề nghiệp tương lai sát với năng lực và đam mê”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng nhắn nhủ, học sinh có nhiều nguyện vọng để các em có thêm cơ hội chọn được ngành nghề phù hợp năng lực, sở thích của mình. Khi trúng tuyển các em cũng chỉ trúng một nguyện vọng cao nhất trong thứ tự ưu tiên của mình và phù hợp với điểm thi của các em. Như vậy đối với các trường tỷ lệ ảo cũng không nhiều.
“Cho nên các trường ĐH-CĐ sẽ cần phải phán đoán khả năng tuyển được để xác định điểm trúng tuyển cho có chất lượng và xác định tỷ lệ trúng tuyển làm sao sát với chỉ tiêu tuyển sinh tính theo năng lực của mình. Chúng tôi sẽ phối hợp với các trường vừa để hỗ trợ vừa để quản lý chỉ tiêu tuyển sinh để có chất lượng”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ.