Kỳ tuyển sinh năm 2018, ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến có nhiều điểm mới. Trong đó, sẽ có thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức.
Thêm kỳ thi đánh giá năng lực
Phát biểu trong buổi tọa đàm tổng kết công tác tuyển sinh ĐH năm 2017 và xây dựng phương án 2018 do Trường ĐH Kinh tế - Luật tổ chức sáng 14.11, tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐHQG TP.HCM), cho biết đang đưa ra thảo luận về phương thức xét tuyển mới dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức. Nếu được thông qua, đây sẽ là phương thức thứ 6 được sử dụng để xét tuyển cho một phần chỉ tiêu nhất định tại các trường thành viên.
"Hiện ĐHQG TP.HCM đã có sự chuẩn bị khá tốt về kỳ thi đánh giá năng lực với ngân hàng đề thi tương đối. Chủ trương sử dụng kết quả này trong xét tuyển năm tới đang được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến và sẽ công bố chính thức trong tháng 12", ông Dương nói.
Chiều 14.11, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết ĐH này sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong năm 2018 và sử dụng một phần chỉ tiêu của các trường để xét tuyển từ kết quả này.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật, trong năm tới trường dự kiến bổ sung phương thức mới là xét tuyển thí sinh (TS) từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG tổ chức. Ông Trọng cho biết trường dự kiến dành tối đa 10% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này.
Tiến sĩ Trần Lê Quan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thông tin trường sẽ dành 20% chỉ tiêu năm tới cho xét tuyển từ kỳ kiểm tra năng lực. Tuy nhiên, trường có thể chỉ tập trung vào một số ngành nhiều TS quan tâm như: công nghệ thông tin, công nghệ hóa học, công nghệ sinh học…
Còn tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nói: “Trường sẽ dành từ 10 - 15% chỉ tiêu mỗi ngành để xét tuyển TS từ kỳ kiểm tra năng lực”.
Tuy nhiên, theo ông Thông, trường đề xuất chỉ xét tuyển khoảng 20 - 30% TS đạt điểm cao nhất trong kỳ thi đánh giá năng lực này. Chẳng hạn nếu có 1.000 TS dự thi thì trường sẽ xét trong khoảng 200 - 300 người đạt điểm cao nhất chứ không xét toàn bộ TS dự thi cho đến khi đủ chỉ tiêu. Vì mức điểm chuẩn các ngành của trường khi xét theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia ở mức khá cao nên khi xét phương thức này cũng phải yêu cầu như vậy mới phù hợp mặt bằng chung.
Bỏ sơ tuyển bằng học bạ ?
Từ năm 2014 đến nay, ĐHQG TP.HCM quy định TS xét tuyển vào các trường thành viên cần đạt điều kiện sơ tuyển học bạ. Cụ thể, TS phải có trung bình cộng các môn 3 năm THPT từ 6,5 trở lên (bậc ĐH) và 6 trở lên (bậc CĐ).
Tuy nhiên, trong buổi làm việc sáng qua, đại diện Trường ĐH Kinh tế - Luật đề xuất không ràng buộc TS xét tuyển vào trường phải đạt ngưỡng điểm sơ tuyển tối thiểu. Thay vào đó, trường dự kiến xét tuyển TS tốt nghiệp THPT và đáp ứng đủ các điều kiện tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Tiến sĩ Lê Chí Thông cũng có quan điểm tương tự. “Năm 2014, ĐHQG đưa ra phương án sơ tuyển để sàng lọc TS thông qua kết quả học bạ THPT ở thời điểm xét tuyển tháng 7. Nhưng năm nay TS đăng ký xét tuyển sớm cùng với đăng ký dự thi (tháng 4), trên phần mềm xét tuyển không có dữ liệu điểm đầy đủ của TS nên sơ tuyển lại trở thành hậu kiểm. Do vậy, việc giữ lại quá trình sơ tuyển này không cần thiết vì không còn tác dụng như mục tiêu đề ra”.
Vấn đề này, tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, cho biết: "ĐHQG sẽ bàn thêm để có phương án cuối cùng".
Bỏ một số tổ hợp xét tuyển mới
Phương án tuyển sinh mới còn có một số điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển. Theo đó, Trường ĐH Kinh tế - Luật dự kiến không tiếp tục sử dụng tổ hợp xét tuyển mới D90 (gồm toán, tiếng Anh và khoa học tự nhiên) trong năm 2018. Bởi lẽ số lượng TS đăng ký xét tuyển bằng tổ hợp này không nhiều. Năm 2017 chỉ có 188 trong số 20.000 nguyện vọng đăng ký bằng tổ hợp này, số TS trúng tuyển cũng thấp. Trường ĐH Bách khoa tiếp tục duy trì các tổ hợp truyền thống, đặc biệt là không sử dụng tổ hợp mới có chứa điểm bài thi tổ hợp.