Phân tích tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" - THPT Quốc Gia 2018
Hoàng Phủ Ngọc Tường quê gốc không phải ở Huế, nhưng sinh ra ở Huế, lớn lên và học tập ở Huế, hoạt động cách mạng ở Huế. Vì thế ông gắn bó với Huế hơn ai hết bằng tất cả máu thịt của tâm hồn mình. "Ai đã đặt tên cho dòng sông" là một bằng chứng rất tiêu biểu cho sự gắn bó thắm thiết này.
Tôi vẫn cho rằng, những nhà văn thực sự có phong cách đều mang trong tâm hồn một "chất nam châm" riêng để hút lấy những gì thích hợp với nó. "Những gì" ấy, tôi gọi là vùng thẩm mĩ của mỗi cây bút. Huế và dòng sông Hương là vùng thẩm mĩ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, là quê hương văn học đích thực của ông. Ông viết về đối tượng này bằng một trái tim say đắm, một vốn liếng ngôn từ tinh luyện và một kho tri thức phong phú, để tạo nên những trang văn vừa đẹp, vừa sang, vừa lấp lánh trí tuộ và chan chứa ân tình.
"Ai đã đặt tên cho dòng sông" thuộc thể văn tuỳ bút. Tuỳ bút có hai đặc điểm vể mặt thể loại:
- Hành văn hết sức tự do phóng túng, không bị ràng buộc bởi một quy phạm chặt chẽ nào;
- Nhân vật chính là cái tôi của tác giả. Tuỳ bút, vì thế, thường giàu chất trữ tình (Nguyễn Tuân gọi viết tuỳ bút là "chơi lối độc tấu").
Giá trị của bài tuỳ bút "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là ở những phát hiện phong phú, độc đáo, tinh tế về vẻ đẹp nhiều mặt của dòng sông Hương, nhờ một cái tôi tài hoa, uyên bác, dạt dào tình cảm với đối tượng viết của mình.
1. Những khám phá về vẻ đẹp của dòng sông Hương
a) Vẻ đẹp thiên nhiên của sông Hương hay vẻ đẹp của cô gái Huế
Quan sát dòng sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường phối hợp cùng một lúc nhiều điểm nhìn khác nhau. Nhưng dù từ điểm nào thì trong con mắt của ông, dòng sông Hương cũng hiện lên như một cô gái đẹp - không phải cái đẹp chung chung, mà vẻ đẹp của cô gái Huế, với cái duyên dáng riêng và mang tâm hồn riêng của Huế. Đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường, thật khó phân biệt đâu là thiên nhiên, đâu là con người, đâu là dòng Hương, đâu là cô gái Huế. Trong cảm quan thẩm mĩ của ông, qua bài tuỳ bút, thấy dường như có một nhân vật mang tên Dòng sông Hương - cô gái Huế.
Nói đến dòng sông độc đáo này, người ta thường chỉ nghĩ đến vẻ đẹp dịu dàng, thơ mộng của nó. Nhưng tìm hiểu từ ngọn nguồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn thấy được một phương diện khác của nó: phương diện "phóng khoáng man dại" với những "ghềnh thác cuộn xoáy như cơn lốc" đổ xuống những vực sâu trong lòng Trường Sơn. Tác giả gọi đó là một phần "bản chất", là "phần hồn sâu thẳm" của dòng sông. Phải chăng, đó cũng là một phát hiện sâu sắc và bất ngờ về cô gái Huế: trong cái dịu dàng thơ mộng, vẫn ẩn chứa "một cô gái Di-gan", mà cũng như dòng sông khi ra khỏi cửa rừng, "đã đóng kín lại [...] và ném chìa khoá trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng".
Tình tứ mà dịu dàng, kín đáo, đó là cái duyên dáng riêng của Dòng sông Hương - cô gái Huế. Tác giả đã diễn tả vẻ đẹp ấy bằng những nét vẽ cũng thật là tình tứ, dịu dàng với "những đường cong thật mềm", những "hình cung thật tròn", "ôm lấy chân đồi Thiên Mụ", "mềm như tấm lụa", "uốn một cánh cung rất nhẹ [...] làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng "vâng" không nói ra của tình yêu"; qua vùng ngoại ô Vĩ Dạ, "xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái", nó bỗng đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây như để gặp lại thành phố thân yêu lần cuối cùng trước khi ra biển, thể hiện "nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu".
Diễn tả dòng sông, ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như cũng uốn lượn theo những đường cong mềm mại của nó bàng những nét vẽ như ấp ôm, như ve vuốt...
Cô gái Huế đẹp nhất và cũng duyên dáng, kín đáo nhất là trong sắc áo "điều lục", trang phục truyền thống của cô dâu Huế. Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường, màu áo ấy cũng bắt nguồn từ vẻ đẹp đặc trưng của sông Hương: một "loại vải vân thưa màu xanh chàm lồng lên một màu áo đỏ bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện thấp thoáng theo bóng người [...]. Đấy cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên",...
b) Vẻ đẹp của sông Hương, nhìn từ góc độ văn hoá
Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi sông Hương là "người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya". Ai đã đến thăm Huế, hẳn đều được nghe nhạc Huế. Nhưng cũng đã mấy ai hiểu rằng, phải nghe nhạc Huế trên sông Hương vào lúc đêm khuya mới cảm nhận được hết linh hồn của nó. Bởi vì, như tác giả khẳng định, "toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này". Có lẽ vào những đêm khuya, trong không khí tĩnh lặng có thể nghe được cả tiếng động rất nhẹ của nhịp chèo và những giọt nước rơi, những nghệ nhân xưa, nhìn mặt nước sông Hương in bóng trăng thanh, đã cảm hứng soạn ra những bản nhạc cổ điển và cả những điệu hò mái nhì, mái đẩy để gửi lòng mình với quê hương xứ sở...
Nhưng một phát hiện bất ngờ hơn nữa của tác giả là dòng Hương Giang và nhạc Huế còn có ảnh hưởng tới Truyện Kiều của Nguyền Du nữa. Tác giả tưởng tượng hơn hai trăm năm về trước, Nguyền Du từng lênh đênh trên dòng Hương với một "phiến trăng sầu. Nhà thơ nghe nhạc Huế và viết nên những vần thơ tuyệt đẹp của mình. Tất nhiên đây chỉ là một suy luận, nhưng không phái hoàn toàn không có căn cứ. Tác giả đã dẫn ra câu chuyện của một nghệ nhân già "chơi đàn hết nửa thế kỉ" đã nhận ra trong những vần thơ Kiều: "Trong như tiếng hạc bay qua - Đục như tiếng suối mới sa nửa vời" có âm hướng của giai điệu bài Tứ đại cánh. Một nhận xét cảm tính khá mơ hồ như thế của một nghệ nhân tài tử, chưa thể xem là một căn cứ chắc chắn. Dù sao, đây cũng là một bàng chứng về sự gặp gỡ giữa những tâm hồn nghệ sĩ cổ kim trên dòng Hương Giang.
Sông Hương còn là nơi khơi nguồn cho cả một dòng thi ca phong phú. Tác giả không có ý định liệt kê trong bài tuỳ bút của mình tất cả sản phẩm bề bộn của dòng thi ca này (mà đâu phải chỉ có thi ca). Ông chỉ muốn chứng minh rằng, vẻ đẹp của sông Hương không hề đơn điệu mà biến hoá đa dạng. Vì thế, mỗi phong cách thở lại có thể khám phá được những sắc thái khác nhau của nó: ở thơ Tản Đà, nó là "dòng sông trắng, lá cây xanh"; ở thơ Cao Bá Quát nó lại là thanh "kiếm dựng trời xanh" đầy khí phách ngang tàng; ở thơ Bà Huyện Thanh Quan, nó là "nỗi quan hoài vạn cổ với bóng chiều bảng lảng"; ở thơ Tố Hữu, nó lại là sức mạnh phục sinh của những kiếp giang hồ "Trên dòng Hương Giang".
Và sông Hương cũng là nơi đẻ ra bài tuỳ bút rất tiêu biểu của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Ai đã đặt tên cho dòng sông ?
c) Sông Hương - thiên "sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc"
Gọi sông Hương là một áng trữ tình thì ai nấy đều dễ chấp nhận. Nhưng gọi nó là một thiên sử thi, một bản anh hùng ca thì thật đáng ngạc nhiên. Đây lại là một phát hiện bất ngờ nữa của tác giả "Ai đã đặt tên cho dòng sông?"
Nhân đọc Dư địa chí của Nguyễn Trãi và những tài liệu khảo cổ học về thành cổ Hoá Châu, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khám phá ra rằng, Hương Giang vốn tên là Linh Giang, một dòng sông nơi biên thuỳ, từng chứng kiến những cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân Đại Việt từ thuở Bà Trưng, Bà Triệu để báo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc qua những thế kỉ cổ trung đại.
Vậy là sông Hương đâu chỉ có vẻ đẹp mềm mại đầy nữ tính, mà còn tiềm tàng, trong chiểu sâu lịch sử của nó, một sức mạnh quật cường của dân tộc từ những ngày khai sơn, phá thạch, mở nước, dựng thành Hoá Châu hàng nghìn năm về trước. Sau này nó sẽ tiếp tục soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ, chứng kiến Cách mạng tháng Tám, chiến dịch Mậu Thân, và cuộc Tổng tiến công hoàn toàn giải phóng dân tộc mùa xuân 1975. Nhưng nó xứng dáng được gọi là một thiên sử thi, trước hết vì đã từng kiên cường chận đứng những đội quân xâm lược đến từ phía nam, oai hùng không kém gì Bạch Đằng, Như Nguyệt sau này từng tiêu diệt hàng vạn quân thù đến từ phía bắc.
Nhưng tác giả gọi sông Hương là thiên "sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc". Ông muốn nói, cùng với người dân đất Hoá Châu, nó sẵn sàng hiến mình để làm ncn những chiến công hiển hách, nhưng sau đó lại muốn trở về với sinh hoạt đời thường, làm người con gái dịu dàng của Huế. Nghĩa là sử thi mà vần rất đỗi trữ tình.
Không phải ngẫu nhiên mà sau khi thuật kể những chiến công của sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại quay về với màu áo điều lục của những cô dâu Huế. Đúng là màu đỏ chói lọi lại giấu mình dưới một tấm voan xanh chàm để thành màu tím Huế ẩn hiện thấp thoáng như sương khói huyền ảo trên sông Hương...
Đúng là trở đi trở lại, Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn nhìn sông Hương chủ yếu như một cô gái Huế kín đáo, dịu dàng.
2. Sông Hương và cái tôi nghệ sĩ tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường
Như đã nói, để mô tả được mọi vẻ đẹp của sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã quan sát dòng sông từ nhiều điểm nhìn khác nhau: khi thì theo hành trình của nó mà di chuyển điểm nhìn từ ngọn nguồn xuôi ra biển; khi thì đứng trên cao, từ đồi Tam Thai, Vọng Cảnh, ngắm nhìn dòng sông phản quang ánh sáng bầu trời "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím"; khi lại đặt mình vào lòng sông, tự làm một tấm gương soi chiếu những cảnh vật mà nó đi qua: những lăng tẩm đồ sộ, uy nghiêm ẩn mình trong những rừng thông u tịch - "Bốn bề núi phủ mây phong - Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên"; đồi Thiên Mụ với tiếng chuông chùa trầm mặc dường như lan toả mãi rất xa, rất xa trên mặt nước phẳng lặng; những xóm làng trung du nằm êm đềm trong tre trúc, bên những cánh đồng phù sa yên ả...
Nhưng quan sát từ điểm nhìn nào thì vẫn là con mắt của một nghệ sĩ tài hoa đã vờn vẽ nên một bức tranh liên hoàn về mọi phương diện của phong cảnh sông Hương - một bức tranh màu sắc tươi tắn nhưng thanh thoát nhẹ nhàng. Một cặp mắt quan sát tinh tế, một trí tưởng tượng phong phú và một tấm lòng đầy ân tình với Huế, đã giúp Hoàng Phủ Ngọc Tường có những so sánh, liên tưởng thần tình: "Từ đây, như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên [...] nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non".
Quả là một so sánh tuyệt vời: vừa đúng với màu sắc của những vành cung nhịp cầu Tràng Tiền, vừa hợp với ánh sáng bầu trời, vừa dịu dàng duyên dáng như cô gái Huế, vừa là một nét bừng sáng phía chân trời xa nhưng không chói chang, vui tươi đấy mà không ồn ào...
"Giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến; đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng "vâng" không nói ra của tình yêu".
Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dùng tiếng nói riêng của tình yêu để tả cảnh. Tình yêu không bao giờ thích cao giọng ồn ào và thường không cần nói bằng lời. Một cái chớp mắt, một cái cúi đầu có thể thay cho một tiếng "vâng". Nhưng phải nói đây là ngôn ngữ tình yêu của cô gái Huế nên mới có cái e lệ, kín đáo và duyên dáng như vậy. Diễn tả cái uốn mình âu yếm và mềm mại của dòng Hương bằng một so sánh như thế thì quả là tinh tế, tài hoa, mà cũng thật là tình tứ.
"[...] sông Hương toả đi khắp phố thị, với những cây đa, cây cừa cổ thụ toả vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập loè trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được".
Tôi ngờ rằng nhận xét này của tác giả đã nảy sinh từ một liên tưởng đầy chất thơ đến một hình ảnh cổ điển rất quen thuộc của Đường thi:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hoả đối sầu miên.
(Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.)
(Phong Kiều dạ hạc - Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều,
thơ Trương Kế, K. D dịch)
Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, nói đến những người viết bút kí, tuỳ bút có thực tài, người ta thường nghĩ đến Nguyễn Tuân trước hết, sau đó đến Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nếu bắc cân lên so sánh thì Nguyễn Tuân phong phú hơn, đa dạng hơn, sự nghiệp đồ sộ hơn. Cả hai đều say mê cái đẹp, suốt đời đi tìm và diễn tả cái đẹp. Nhưng nếu với Nguyễn Tuân, cái đẹp phải là những hiện tượng đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ, gây ấn tượng khác thường, thậm chí dữ dội - người đẹp thì phải là cái đẹp đổ quán xiêu đình, nghiêng thành nghiêng nước, còn thiên nhiên thì phải là đèo cao, thác dữ, là gió cuồng, bão táp ; thì với Hoàng Phủ Ngọc Tường, cái đẹp phải thơ mộng, dịu dàng, là dòng sông Hương trôi trong sương mờ, là cô gái Huế tình tứ mà kín đáo, e lệ và nếu là sử thi thì là "sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc".