Đó là tình huống Tràng lấy được vợ, lại có vợ "theo" nữa. Chuyên ấy ở người khác, ở hoàn cảnh khác, thì chẳng có gì đặc biệt. Nhưng ở anh cu Tràng, trong hoàn cảnh của anh ta, thì thật lạ lùng, thậm chí khó tin là có thực.
Kim Lân tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, người làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Vì gia đình khó khăn, ông chưa được học hết bậc Tiểu học. Nhưng ông là người Kinh Bắc, là con đẻ của nền văn hoá Kinh Bắc có bề dày lịch sử lâu đời, nên rất đỗi tài hoa. Kim Lân có biệt tài viết truyện ngắn. Ông chủ yếu viết về nông thôn và người nông dân. Ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ, tâm sự, ước mơ của những người nông dân nghèo rất gần gũi với sinh hoạt của ông - những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng.
"Vợ nhặt" là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, rút từ tập "Con chó xấu xí". Vợ nhặt có tiền thân là truyện "Xóm ngụ cư" viết ngay sau Cách Mạng Tháng Tám (bản thảo chưa in, sau này tác giả viết lại).
1.Tác giả tổ chức thiên truyện xoay quanh một tình huống thật độc đáo và lấy luôn tình huống ấy đặt tên cho tác phẩm: "Vợ nhặt".
Đó là tình huống Tràng lấy được vợ, lại có vợ "theo" nữa. Chuyên ấy ở người khác, ở hoàn cảnh khác, thì chẳng có gì đặc biệt. Nhưng ở anh cu Tràng, trong hoàn cảnh của anh ta, thì thật lạ lùng, thậm chí khó tin là có thực.
Một người như Tràng thì tưởng chẳng có người đàn bà nào thèm nhìn đến, nhất là lại say mê đến mức "theo không" về ! Vì anh ta xấu trai "quai hàm bạnh ra", "bộ mặt thô kệch", "đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước. Hình như những lo lắng, chật vật trong một ngày đè xuống cái lưng to rộng như lưng gấu". Đã thế, anh ta lại có cái tật "vừa đi vừa tủm tỉm cười", "vừa đi vừa nói", "lảm nhảm than thở" một mình. Nghĩa là có tính dở hơi, thần kinh không bình thường, cho nên mới trở thành đối tượng đùa cợt của lũ trẻ ranh trong xóm ngụ cư "Đứa túm đằng trước, đứa túm đằng sau, đứa kéo, đứa lôi chân không cho đi. Tràng chỉ ngửa mặt lên cười hềnh hệch".
Xấu trai mà lại nghèo và là dân ngụ cư. Hai mẹ con rau cháo nuôi nhau trong "cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại".
Nhưng một điều còn lạ hơn nữa là Tràng lại lấy vợ ngay giữa nạn đói khủng khiếp - mùa xuân năm 1945. Cái đói chẳng ở đâu xa, nó đã tràn đến cái xóm ngụ cư của mẹ con Tràng rồi: "Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ". Cho nên những người dân trong xóm ngụ cư nhìn Tràng dắt người vợ "theo" về mà lo lắng cho anh ta : "Ôi chao ! Giời đất này còn rước cái của nợ đời vể. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không ?".
Bà cụ Tứ, mẹ Tràng cũng vậy, con lấy được vợ, mừng thì có mừng, nhưng lo cũng thật lo: "Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không ?".
Tình huống ấy được tác giả diễn đạt bằng thái độ ngạc nhiên của mọi người. Ngạc nhiên vì không tin, không thể tin được!
Khi anh cu Tràng và người đàn bà đi vào trong ngõ, cả xóm ngụ cư chạy ra ngưỡng cửa, vừa nhìn theo vừa bàn tán. Họ ngơ ngác đặt cho nhau những câu hỏi mà không biết trả lời sao: "Ai đấy nhỉ ?... Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?" ; "Chả phải..." ; "Quái nhỉ ?".
Đến khi biết Tràng có vợ theo về thì "cười lên rung rúc". Anh cu Tràng mà cũng có vợ ư! Chuyên kì lạ quá làm cho họ phải bật cười.
Bà cụ Tứ cũng không ngờ được. Thấp thoáng nhìn thấy người đàn bà lạ đứng trong nhà mình, ngay đầu giường thằng con mình, bà cụ "đứng sững lại" giữa sân, rất ngạc nhiên : "Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?" ; "Sao lại chào mình bằng u?" ; "Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ ?".
Đến anh cu Tràng cũng ngạc nhiên. Chuyện diễn ra nhanh chóng và dễ dàng quá khiến chính anh ta cũng chưa tin là có thật : "Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?".
Một tình huống, càng ngẫm nghĩ, càng thấm thía nỗi tủi nhục của thân phận con người và tội ác của bọn đế quốc Pháp, Nhật. Nó đã hạ giá con người đến mức rẻ mạt thế ư: Chỉ mấy bát bánh đúc mà lấy được vợ, mà có vợ theo về! Con người có hơn gì cái rơm cái rác, có thể nhặt được nơi xó chợ, đầu đường.
Tình huống của truyện cũng làm bật nổi một chủ đề có giá trị nhân bản sâu sắc của tác phẩm : niềm khao khát hạnh phúc gia đình của người dân lao động đã chiến tháng sự đe doạ ghê gớm của nạn đói và nỗi ám ảnh khùng khiếp của cái chết.
Nói thế chứ, lúc đầu, Tràng không phải không sợ. Khi người đàn bà theo anh là về thật, anh ta cũng "chợn", nghĩ : "thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng". Nhưng tuổi trẻ bất chấp tất cả, "hắn tặc lưỡi một cái : - Chậc, kệ !".
Đến khi, trên đường về nhà, đi cùng người đàn bà đã thực sự thành vợ của mình rồi thì, trong một lúc, anh ta "hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe doạ, quên cả những tháng ngày trước mặt". "Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy [...] nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt [...] tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng"....
Link bản full: https://drive.google.com/file/d/1JvBba-XAvR8zNn1qVY2v2wh0biSXdKAd/view?usp=sharing